Rối loạn kinh nguyệt sau sinh là hiện tượng phổ biến. Bệnh bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó sự xáo trộn nội tiết tố nữ khi em bé ra đời là tác nhân chính khiến chị em suy giảm sức khỏe và gặp nhiều phiền toái trong sinh hoạt. Vậy bị rối loạn kinh nguyệt sau khi sinh nên làm gì để cải thiện?
Nội dung
1. Biểu hiện rối loạn kinh nguyệt sau sinh
Rối loạn kinh nguyệt là sự thay đổi bất thường về chu kỳ, thời gian hành kinh, lượng máu và màu sắc kinh nguyệt so với những chu kỳ thông thương trước đó. Kinh nguyệt bất ổn xảy ra ở nhiều độ tuổi. Trong đó, phụ nữ sau sinh là đối tượng dễ bị rối loạn kinh nguyệt, với các biểu hiện lâm sàng như:
- Vòng tuần hoàn của chu kỳ kinh nguyệt trở nên bất thường: Chu kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ khỏe mạnh trưởng thành là từ 22 đến 35 ngày, thời gian hành kinh là 3 – 7 ngày tùy vào mỗi cơ địa. Nếu quan sát thấy kỳ kinh nguyệt ít hơn 22 ngày hoặc nhiều hơn 35 ngày, thời gian chảy máu ít hơn 3 ngày và nhiều hơn 7 ngày thì điều này cho thấy bạn đang bị rối loạn kinh nguyệt sau khi sinh.
- Lượng máu kinh không đều: Đôi lúc máu kinh ra ít (thiểu kinh), đôi lúc ra nhiều (cường kinh), ảnh hưởng tới chất lượng sống của chị em.
- Màu sắc kinh nguyệt thay đổi: Máu kinh chuyển sang màu đỏ tươi, nâu hoặc đen thẫm, đồng thời bị vón cục.
- Sau khi sinh mất kinh quá lâu: Đối với phụ nữ sinh mổ thì chu kỳ kinh nguyệt trở lại sau 4 – 8 tuần, phụ nữ sinh thường có thể lâu hơn, khoảng 6 tháng – 1 năm. Nếu như 1 – 2 năm sau sinh, kinh nguyệt chưa trở lại thì chắc chắn kinh nguyệt của bạn đang bị rối loạn.
- Đau bụng dữ dội : Xuất hiện cơn đau thắt, dữ dội và quằn quại ở bụng dưới, khiến cơ thể của sản phụ mệt mỏi và suy giảm sức khỏe.
- Biểu hiện khác: Ngoài ra, chị em còn gặp phải tình trạng đau lưng, đau đầu, đau căng tức vú hoặc rong kinh kéo dài nếu như kinh nguyệt bị rối loạn sau khi sinh.
Khi xuất hiện các dấu hiệu kinh nguyệt bất ổn, chị em nên gặp bác sĩ ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh tình trạng kéo dài vì có thể ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và chức năng sinh lý.
2. Nguyên nhân sau sinh bị rối loạn kinh nguyệt
Rối loạn kinh nguyệt sau khi sinh xuất phát chủ yếu từ những nguyên nhân sau:
2.1 Xáo trộn nội tiết tố
Trong cơ thể phái đẹp, bộ ba nội tiết tố nữ Estrogen, Progesterone và Testosterone (do hệ trục Não bộ – Tuyến yên – Buồng trứng điều khiển và chỉ huy) được ví như “nguồn nhựa sống”, giúp điều hòa và kiểm soát toàn bộ hoạt động chức năng của cơ thể, bao gồm chu kỳ kinh nguyệt. Cụ thể, Estrogen giúp niêm mạc tử cung phát triển và phối hợp cùng Progesterone để tạo ra chu kỳ kinh nguyệt. Testosterone giúp điều hòa kinh nguyệt và tăng ham muốn tình dục cho người phụ nữ.
Tuy nhiên, sau khi sinh con, tuyến yên tự động tăng sản xuất nội tiết tố Prolactin để kích thích tuyến sữa, tạo sữa mẹ cho con bú. Sự dư thừa Prolactin trong máu là nguyên nhân khiến nồng độ Estrogen và Progesterone suy giảm, dẫn đến sự rối loạn nội tiết tố nữ trong cơ thể. Khi các nội tiết tố bị xáo trộn thì kinh nguyệt cũng trở nên thất thường.
2.2 Áp lực từ vai trò làm mẹ
Với phụ nữ lần đầu làm mẹ, sau cảm giác vui sướng khi con được chào đời là chuỗi ngày rơi vào trạng thái lo lắng và áp lực khi chăm sóc trẻ sơ sinh. Trong khoảng vài tuần đầu, người mẹ không thể ăn uống hay ngủ đủ giấc do phải cho con bú, ru con ngủ và thực hiện các công việc khác. Điều này tạo nên những áp lực vô hình, khiến người phụ nữ cảm thấy mệt mỏi, buồn chán và căng thẳng kéo dài.
Sự căng thẳng có thể tác động lên tuyến thượng thận, kích thích sản sinh hormone Cortisol. Cortisol ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình sản xuất nội tiết tố nữ Estrogen và Progesterone, dẫn đến chị em bị rối loạn kinh nguyệt sau khi sinh.
2.3 Mắc bệnh lý phụ khoa
Trong giai đoạn mang thai và trải qua sinh nở, vùng kín của phụ nữ dễ bị vi khuẩn và nấm xâm nhập, dẫn tới nhiều bệnh lý phụ khoa như viêm âm đạo hoặc viêm lộ tuyến tử cung. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến kinh nguyệt trở nên bất ổn ở phụ nữ sau sinh.
3. Rối loạn kinh nguyệt sau sinh có nguy hiểm không?
Kinh nguyệt không đều ở phụ nữ sau sinh là hiện tượng sinh lý bình thường. Nếu không cho con bú, chu kỳ kinh nguyệt có thể trở lại sau 6 – 8 tuần. Trường hợp nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ thì chị em có thể không có kinh nguyệt trong 6 tháng hoặc thậm chí lâu hơn.
Tuy nhiên, nếu rối loạn kinh nguyệt kèm theo những dấu hiệu bất thường sau đây thì bạn nên gặp bác sĩ ngay lập tức để được xử trí và điều trị kịp thời:
- Thời gian hành kinh kéo dài từ 8 – 14 ngày, lượng máu ra nhiều, hình thành những cục máu đông, có màu sẫm. Đây là dấu hiệu cho thấy chị em đang bị tổn thương thành nội mạc tử cung hoặc viêm cơ quan sinh sản.
- Nếu âm đạo tiết ra máu lốm đốm giữa các thời kỳ, kèm theo mùi hôi khó chịu thì có thể bạn đang mắc một số bệnh phụ khoa nguy hiểm.
- Vùng kín ngứa ngáy, khó chịu và đau rát khi quan hệ tình dục.
- Trường hợp kinh nguyệt rối loạn kéo dài trên 2 năm thì tốt nhất bạn nên đi khám tại những cơ sở y tế uy tín để giảm ảnh hưởng xấu tới sinh lý và sức khỏe sinh sản về sau.
4. Cần làm gì khi bị rối loạn kinh nguyệt sau sinh?
Để đưa chu kỳ nguyệt san về trạng thái cân bằng, chị em có thể áp dụng những cách chữa rối loạn kinh nguyệt sau sinh, được nhiều chuyên gia khuyến khích thực hiện:
4.1 Vệ sinh vùng kín
Do vi khuẩn dễ xâm nhập, gây viêm nhiễm trong quá trình mang thai và sinh nở nên chị em cần chú ý vệ sinh vùng kín sạch sẽ mỗi ngày. Theo đó, bạn không nên dùng xà phòng tắm để vệ sinh “cô bé” vì chất kiềm trong sản phẩm khiến âm đạo mất cân bằng độ ẩm, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn. Thay vào đó, hãy sử dụng dung dịch vệ sinh phụ nữ có chiết xuất từ thiên nhiên, độ pH từ 3,8 – 4,5 để sát khuẩn nhẹ và giữ độ ẩm cho vùng kín.
4.2 Ăn uống khoa học
Để giảm thiểu triệu chứng khó chịu và bất thường trong những ngày “đèn đỏ”, chị em nên tăng cường bổ sung các thực phẩm giúp điều hòa chu kỳ kinh nguyệt như:
- Ngải cứu: Được chứng minh có công dụng ổn định kinh nguyệt, giảm đau bụng kinh và mệt mỏi cho người phụ nữ.
- Đu đủ xanh: Hoạt chất Papain trong đu đủ xanh không chỉ tăng lưu thông máu tới tử cung, mà còn điều chỉnh tâm trạng, cải thiện rối loạn kinh nguyệt do stress gây ra.
- Mướp đắng: Hàm lượng vitamin và khoáng chất trong mướp đắng vừa hỗ trợ điều hòa kinh nguyệt, vừa điều trị các bệnh lý khác như mỡ máu hoặc bệnh tiểu đường cho phụ nữ.
4.3 Điều chỉnh lối sống
Áp lực, căng thẳng kéo dài là một trong những tác nhân khiến phụ nữ sau sinh bị rối loạn kinh nguyệt. Chính vì vậy, bạn nên giữ tâm trạng thoải mái, vui vẻ, không nên lo âu quá mức để chu kỳ nguyệt san ổn định và giảm nguy cơ mắc bệnh trầm cảm sau sinh.
Song song đó, một chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi và làm việc hợp lý, tích cực luyện tập thể thao, đặc biệt là các bài tập đi bộ, ngồi thiền và yoga nhẹ nhàng nên được chuẩn bị lúc còn trẻ để cân bằng nội tiết tố nữ trong cơ thể, giảm triệu chứng kinh nguyệt rối loạn do xáo trộn nội tiết tố sau sinh gây ra.
4.4 Gặp bác sĩ phụ khoa
Nếu kinh nguyệt rối loạn do mắc bệnh lý phụ khoa, chị em nên gặp bác sĩ sớm để được hỗ trợ kịp thời. Trường hợp bạn đang mắc các bệnh liên quan tới âm đạo, các bác sĩ chỉ định dùng thuốc đặt âm đạo, thuốc rửa phù hợp để bệnh nhanh chóng thuyên giảm.
Nếu gặp phải vấn đề về buồng trứng và cổ tử cung, các chuyên gia yêu cầu chị em nên thực hiện thủ thuật can thiệp sớm để ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm. Sau khi các bệnh phụ khoa được chữa trị, tình trạng rối loạn kinh nguyệt sau khi sinh cũng được cải thiện.