Nguyên nhân và cách hiệu quả chữa kinh nguyệt không đều

Kinh nguyệt không đều gây ra nhiều phiền toái cho chị em phụ nữ. Không chỉ vậy, kinh nguyệt bất thường còn là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề về sức khỏe. Chính vì vậy, chị em nên theo dõi chu kỳ kinh nguyệt, trang bị các kiến thức cần thiết để nhận biết và hiểu rõ cách chữa kinh nguyệt không đều để sớm khắc phục tình trạng này. 

1. Kinh nguyệt không đều là gì?

Kinh nguyệt không đều là tình trạng chu kỳ kinh nguyệt thay đổi bất thường. Cụ thể, chu kỳ kinh nguyệt có thể đến sớm (ít hơn 22 ngày) hoặc đến muộn (nhiều hơn 35 ngày) hoặc thậm chí là vô kinh (không có kinh nguyệt trên 6 tháng hoặc 1 năm). 

2. Biểu hiện của chu kỳ kinh nguyệt không đều

Một số triệu chứng của kinh nguyệt không đều:

  • Chu kỳ kinh nguyệt ít hơn 22 ngày hoặc nhiều hơn 35 ngày.
  • Lượng máu mất đi trong mỗi kỳ kinh dao động từ 50 – 80 ml. Nếu bị mất máu nhiều hơn hoặc ít hơn thì đây là một trong những dấu hiệu cảnh báo kinh nguyệt không còn ổn định.  
  • Thời gian hành kinh thay đổi, ngắn hơn 3 ngày hoặc dài hơn 7 ngày.
  • Máu kinh có màu sắc bất thường, máu có màu đen và có lẫn các cục máu đông. 
  • Đau bụng dữ dội, đau lưng, mệt mỏi… khi hành kinh. 

Tìm hiểu thêm về triệu chứng kinh nguyệt không đều:

3. Ai thường bị kinh nguyệt không đều?

Kinh nguyệt không đều thường gặp ở các bạn nữ tuổi dậy thì, phụ nữ sau sinh hoặc phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh – mãn kinh.  Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, nếu kinh nguyệt xảy ra không đều đặn thường xuyên có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý phụ khoa nguy hiểm.

Tương tự, tình trạng kinh nguyệt không đều ở phụ nữ sau tuổi 35 là dấu hiệu sức khỏe bắt đầu có xáo trộn, có khả năng bước giai đoạn tiền mãn kinhmãn kinh. Chị em cần thăm khám sớm và chữa trị càng sớm càng tốt.

4. Nguyên nhân gây kinh nguyệt không đều

Có rất nhiều nguyên nhân khiến chu kỳ kinh nguyệt không đều, điển hình là: 

4.1 Rối loạn nội tiết tố nữ

Hệ trục Não bộ – Tuyến yên – Buồng trứng hoạt động nhịp nhàng là yếu tố giúp chu kỳ kinh nguyệt ổn định. Tuy nhiên, theo thời gian, dưới sự tác động quá trình lão hóa tự nhiên, hoạt động của hệ trục bắt đầu suy giảm, khiến bộ 3 nội tiết tố nữ là Estrogen, Progesterone và Testosterone rối loạn, dẫn đến chu kỳ kinh nguyệt không đều và hàng loạt các bất ổn về sức khỏe, đời sống sinh lý trục trặc và làn da cũng trở nên kém sắc. 

Chu kỳ kinh nguyệt không đều do nội tiết tố không ổn định thường gặp nhất ở phụ nữ trong độ tuổi tiền mãn kinh – mãn kinh.

4.2 Vấn đề về tuyến giáp

Các vấn đề về tuyến giáp như suy giáp, cường giáp hay phụ nữ mắc bệnh viêm giáp tự miễn… đều có ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt. Phụ nữ mắc bệnh viêm tuyến giáp tự miễn, cơ thể sẽ tự sinh ra kháng thể phá hủy tuyến giáp gây suy buồng trứng và xáo trộn nội tiết tố. Từ đó khiến chu kỳ kinh nguyệt thay đổi bất thường.

Suy giáp khiến chu kỳ kinh nguyệt dài hơn, tăng các cơn đau bụng kinh, mệt mỏi, tăng cân… Cường giáp với nồng độ hormone tuyến giáp cao sẽ khiến chu kỳ kinh nguyệt ngắn hơn và đi kèm các triệu chứng như tim đập nhanh, lo lắng, hồi hộp, giảm cân. 

4.3 Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)

Hội chứng buồng trứng đa nang là một trong những nguyên nhân khiến chu kỳ kinh nguyệt không đều. Phụ nữ mắc PCOS có thể bị tắt kinh, chảy máu nhiều khi hành kinh, khô âm đạo, tăng cân, béo phì hoặc mọc lông nhiều ở mặt và da…

Ngoài ra, một số bệnh lý phụ khoa khác cũng có thể khiến kinh nguyệt thay đổi bất thường như: Lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung, ung thư cổ tử cung và ung thư nội mạc tử cung.

4.4 Các yếu tố nguy cơ khác

Kinh nguyệt không đều còn có thể do: 

  • Tác dụng phụ của thuốc như thuốc tránh thai, thuốc tuyến giáp, thuốc chống trầm cảm, hóa trị, Aspirin và ibuprofen, chất làm loãng máu, liệu pháp hormone thay thế…
  • Giảm cân quá mức, tập luyện quá sức. 
  • Áp lực tinh thần quá lớn, thường xuyên phải chịu sức ép lớn, căng thẳng kéo dài. 
  • Chế độ dinh dưỡng không khoa học gây suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì. 

5. Kinh nguyệt không đều có sao không?

Chu kỳ kinh nguyệt là “thước đo” rõ ràng tình hình sức khỏe của người phụ nữ. Do đó, khi chu kỳ kinh nguyệt bất thường, chắc chắn sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe, nhất là sức khỏe sinh sản. Cụ thể, một số tác hại của kinh nguyệt không đều có thể kể đến như:

  • Giảm khả năng thụ thai do kinh nguyệt không đều, chủ yếu là do hệ trục Não bộ – Tuyến yên – Buồng trứng suy giảm hoạt động, nội tiết tố nữ xáo trộn. Từ đó, hoạt động của Buồng trứng thay đổi và đáp ứng kém với các kích thích, khiến các nang trứng không thể chín và phóng đúng chu kỳ, gây giảm tỷ lệ thụ thai và tăng nguy cơ vô sinh, hiếm muộn. 
  • Chu kỳ kinh nguyệt kéo dài có thể gây ra tình trạng thiếu máu, khiến chị em luôn cảm thấy mệt mỏi, uể oải, da niêm mạc nhợt, chóng mặt, tim đập nhanh… Ngoài ra, tình trạng này còn tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, gây ra các bệnh viêm nhiễm phụ khoa. 
  • Kinh nguyệt không đều có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý phụ khoa nguy hiểm. Do đó, chị em tuyệt đối không nên chủ quan mà cần chủ động thăm khám sớm. 
  • Kinh nguyệt bất thường cảnh báo sự mất cân bằng nội tiết tố nữ. Những thay đổi nội tiết tố có ảnh hưởng rất lớn đến vẻ đẹp làn da. Da có thể bị nhờn, nhiều mụn hơn, da xanh xao, thô ráp, lỗ chân lông to, lão hóa sớm

6. Cách chữa kinh nguyệt không đều 

Tùy thuộc vào từng nguyên nhân khiến kinh nguyệt không đều mà sẽ có những cách cải thiện khác nhau. Một số biện pháp giúp bạn khắc phục tình trạng này như: 

6.1 Thay đổi lối sống, kiểm soát căng thẳng

Nếu kinh nguyệt không đều liên quan đến lối sống thì bạn cần điều chỉnh sao cho hợp lý. Theo đó, bạn nên xây dựng lối sống lành mạnh, kiểm soát căng thẳng và giữ cho tinh thần thoải mái. Bên cạnh đó, nên sinh hoạt và làm việc điều độ, ngủ đủ giấc và tập luyện thể dục với cường độ vừa phải. Ngoài ra, cần tránh sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, cà phê… đồng thời hạn chế thức khuya để tránh làm thay đổi đồng hồ sinh học của cơ thể.

6.2 Xây dựng chế độ ăn uống khoa học

Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học cũng là một trong những cách chữa kinh nguyệt không đều. Chị em nên đảm bảo bổ sung đầy đủ 4 nhóm dinh dưỡng: chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất cho cơ thể. Ăn nhiều rau củ quả và đa dạng các loại thực phẩm trong khẩu phần ăn mỗi ngày. 

6.3 Uống nhiều nước

Bổ sung đủ nước cho cơ thể (2 lít mỗi ngày) giúp mọi hoạt động trơn tru, đường huyết ổn định và hỗ trợ cải thiện tình trạng kinh nguyệt không đều. 

6.4 Cách chữa kinh nguyệt không đều bằng Đông y

Điều trị kinh nguyệt không đều bằng các bài thuốc Đông y như trung ích khí, quy tỳ thang, kinh địa thang… cũng được các chị em lựa chọn. Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc Đông y, vẫn cần có sự kê toa của bác sĩ có chuyên môn, tuyệt đối không nên tự ý mua và sử dụng. Ngoài ra, điều trị kinh nguyệt không đều bằng Đông y đòi hỏi phải kiên trì, tốn nhiều công sức và thời gian nấu thuốc khá lâu, không phù hợp với người bận rộn.

6.5 Sử dụng thuốc điều hòa kinh nguyệt từ Tây y

Để điều hòa kinh nguyệt, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc có nguồn gốc từ thuốc tránh thai. Ngoài ra, thuốc chứa Metformin, thuốc chống viêm không Steroid, thuốc sắt… cũng có thể được sử dụng để cải thiện tình trạng kinh nguyệt không đều.

Ưu điểm khi dùng thuốc Tây y là có thể điều hòa tạm thời và giảm nhanh các triệu chứng khó chịu do rối loạn kinh nguyệt gây ra. Tuy nhiên, nếu sử dụng thuốc không đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, có thể dẫn đến nhiều tác dụng phụ nguy hiểm đối với sức khỏe. 

6.6 Chữa trị tốt các bệnh lý phụ khoa

Cách chữa kinh nguyệt không đều do mắc các bệnh lý phụ khoa tốt nhất là chị em nên thăm khám sớm và tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ để điều trị bệnh hiệu quả. Khi các bệnh lý phụ khoa khỏi hoàn toàn, tình trạng kinh nguyệt bất thường cũng sẽ được cải thiện.

Bài viết cùng chủ đề

Angela Gold sức khỏe, sắc đẹp và sinh lý nữ