Da bị cháy nắng là tình trạng thường gặp khi tiếp xúc thời gian dài với nắng, nhất là sau khi làm việc hoặc tham gia các hoạt động thể thao và giải trí ngoài trời. Lúc này, nhiều người vì không biết cách xử lý phù hợp, vô tình khiến tình trạng làn da cháy nắng trở nên nghiêm trọng hơn, khó hồi phục. Bài viết sau sẽ hướng dẫn cho bạn nên làm gì để phục hồi làn da cháy nắng một cách hiệu quả và an toàn nhất.
Mục lục
1. Da bị cháy nắng là gì?
Cháy nắng là tình trạng bỏng da do tiếp xúc quá nhiều với tia UV từ mặt trời. Tùy thuộc vào mức độ cháy nắng mà các triệu chứng tổn thương trên da sẽ diễn ra từ 1 – 3 ngày. Sau đó, quá trình lột da sẽ bắt đầu, kéo dài từ 3 – 8 ngày hoặc có thể lên đến vài tuần.
Làn da cháy nắng có thể chăm sóc và phục hồi tại nhà. Tuy nhiên, một số trường hợp da cháy nắng nghiêm trọng, xuất hiện các bóng nước (bao phủ hơn 20% cơ thể), bạn cần thăm khám và điều trị theo sự chỉ định của bác sĩ.
2. Dấu hiệu nhận biết làn da bị cháy nắng
Tình trạng da cháy nắng có thể nhận biết qua các dấu hiệu như:
- Da đỏ ửng, khô và bong tróc.
- Da đổi màu đen sạm.
- Có cảm giác nóng khi sờ vào da.
- Đau, da sưng nề và ngứa.
- Bề mặt da xuất hiện các bọng nước nhỏ.
- Nôn mửa, đau đầu, sốt cao (cháy nắng nghiêm trọng).
3. Nguyên nhân khiến da bị cháy nắng
Tia UV (tia cực tím hay tia tử ngoại) trong ánh nắng mặt trời chính là nguyên nhân gây ra tình trạng cháy nắng ở da. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có chỉ số tia UV ở mức 8 – 10 trong khoảng 25 phút có thể gây cháy da. Nếu tiếp xúc tia UV ở chỉ số 11 trong vòng 10 phút thì có thể gây bỏng da, viêm đỏ. Tia UV ở mức 12 cực kỳ nguy hiểm khi tiếp xúc và cũng là tác nhân tăng nguy cơ ung thư da.
Không chỉ vậy, khi tiếp xúc thường xuyên với tia UV còn kích thích tăng lượng Melanin khiến da sạm đen và kém sắc. Tia UV không chỉ tác động trực tiếp đến lớp thượng bì mà còn thâm nhập vào cấu trúc nền dưới da, kích thích sản xuất men tiêu hủy cấu trúc nền MMPS, làm đứt gãy các Protein dạng sợi như Collagen, Elastin, Laminin, Fibronectin và làm mất liên kết giữa các phân tử nước Proteoglycans khiến da chùng nhão, nhăn nheo. Khi cấu trúc nền bị tổn thương, các phân tử ngậm nước có vai trò giữ ẩm cho da cũng bị thất thoát, làn da sẽ trở nên khô ráp, lão hóa và giảm khả năng chống nắng tự nhiên.
4. Ai dễ bị cháy nắng sạm đen?
Những đối tượng sau rất dễ bị cháy nắng nếu không bảo vệ và che chắn làn da cẩn thận:
- Có làn da sáng màu.
- Thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời.
- Làn da mỏng yếu và có tiền sử bị cháy nắng.
- Sống hoặc đi du lịch để những vùng có khí hậu nắng nóng, oi bức và có nhiều ánh nắng mặt trời.
- Sử dụng một số loại thuốc làm cho da nhạy cảm hơn với ánh mặt trời như Tetracycline, Thiazide, Sulfonamides, Phenothiazin, thuốc lợi tiểu, thuốc điều trị tiểu đường, thuốc tránh thai.
Ngoài ra, khi càng lớn tuổi thì khả năng chống nắng của da càng kém, da càng dễ tổn thương do ánh nắng mặt trời.
5. Da bị cháy nắng phải làm sao? 5 cách điều trị hiệu quả
Chăm sóc làn da cháy nắng đúng cách sẽ giúp các tổn thương da nhanh hồi phục hơn. Vậy, nên làm gì khi da xuất hiện tình trạng cháy nắng?
5.1 Nhanh chóng làm dịu vùng da bị cháy nắng
Da cháy nắng nên được làm mát, giảm nhiệt ngay lập tức. Bạn nên ngâm mình hoặc tắm nước mát, dùng khăn lạnh hoặc dùng giấm trắng thoa lên vùng da tổn thương để giảm các triệu chứng khó chịu.
Tuy nhiên cần lưu ý, tuyệt đối không chườm đá hoặc khăn quá lạnh lên vùng da cháy nắng vì lúc này da rất nhạy cảm, có thể bị kích ứng, tổn thương hoặc bị bỏng lạnh.
5.2 Thoa kem Hydrocortisone 1% hoặc uống ibuprofen/aspirin để giảm đau
Thoa kem Hydrocortisone 1% 3 lần/ngày lên vùng da bị tổn thương (chỉ bôi kem ở các vùng da không bị trầy xước, bao gồm cả vùng da xung quanh bóng nước) cũng là cách giúp điều trị làn da cháy nắng. Lưu ý, tuyệt đối không sử dụng thuốc mỡ có chữ “caine” ở cuối tên như Benzocaine để bôi lên da vì có thể gây kích ứng.
5.3 Uống nhiều nước
Da phồng rộp khi bị cháy nắng có thể gây mất nước. Do đó, bạn nên uống nhiều nước để hỗ trợ phục hồi những tổn thương do cháy nắng và ngăn ngừa cơ thể bị mất nước.
Để bổ sung nước cho cơ thể, bên cạnh uống nước lọc, các loại nước ép giàu vitamin và khoáng chất như cam, táo, bưởi, cà rốt, cà chua… cũng là sự lựa chọn lý tưởng, vừa giúp cấp nước vừa giúp tăng cường hệ miễn dịch tự nhiên.
5.4 Đắp mặt nạ chữa cháy nắng cho da
Nha đam, cà chua, dưa chuột, trà xanh, bột yến mạch là những nguyên liệu thiên nhiên có tác dụng làm mát và làm dịu những tổn thương do cháy nắng như viêm đỏ, đau rát… Không chỉ vậy, các nguyên liệu này còn có khả năng cấp ẩm, giúp cải thiện làn da khô sạm hiệu quả.
Bên cạnh sử dụng các loại mỹ phẩm chống nắng, bạn có biết những nguyên liệu thiên nhiên cũng có khả năng bảo vệ làn da trước những tác hại đáng sợ của tia UV? Hãy cùng khám phá 3 cách chống nắng tự nhiên đang được nhiều chị em…
5.5 Thoa kem dưỡng ẩm
Để chăm sóc làn da bị cháy nắng nhanh khỏi, bạn nên duy trì thói quen thoa kem dưỡng ẩm sau khi tắm để da luôn mềm mịn và giảm ngứa (khi các vết phồng rộp khô và liền da). Khi sử dụng kem dưỡng ẩm, lưu ý nên thoa nhẹ nhàng, không gãi hoặc chà xát vào da.
> Khám phá ngay: Bật mí cách dưỡng ẩm cho da hiệu quả
Ngoài ra, bạn có thể uống Ibuprofen hoặc Aspirin để giảm đau (nếu cần). Tuy nhiên nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc được in rõ trên bao bì sản phẩm hoặc tham vấn ý kiến dược sĩ. Đồng thời, bạn nên tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong quá trình điều trị.
Với các trường hợp da bị cháy nắng nghiêm trọng, da tổn thương rộng đi kèm các biểu hiện như đau đớn, sốt, đau đầu, lú lẫn, nôn mửa, không cải thiện sau nhiều ngày hoặc xuất hiện các nốt bỏng có chứa dịch vàng… bạn cần đến gặp bác sĩ để thăm khám và điều trị theo chỉ định.
6. Cách phòng ngừa cháy nắng hiệu quả
Làn da cháy nắng còn dẫn đến da lão hóa và sạm nám, ảnh hưởng rất lớn đến diện mạo bên ngoài, đồng thời làm tăng nguy cơ mắc bệnh Lentigo mặt trời và ung thư da. Chính vì vậy, bạn nên chủ động phòng ngừa cháy nắng mỗi ngày. Một số biện pháp giúp bảo vệ da tối ưu, phòng ngừa cháy nắng như:
6.1 Che chắn cho da khi đi ra nắng
Che chắn cho da kỹ lưỡng sẽ giúp bạn tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Theo đó, bạn nên mặc quần áo dày, tối màu, đội mũ rộng vành, đeo kính râm, khẩu trang… Đặc biệt, bạn cũng nên hạn chế đi ra ngoài trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 15 giờ chiều vì đây là thời điểm có cường độ tia UV cao nhất.
6.2 Bôi kem chống nắng mỗi ngày
Thoa kem chống nắng là một bước chăm sóc da không thể thiếu để phòng ngừa da bị cháy nắng. Đối với kem chống nắng hóa học, để phát huy hiệu quả, bạn nên thoa kem khoảng 20 phút trước khi ra ngoài và cần thoa nhắc lại sau 2 giờ. Lựa chọn kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 và PA+++ trở lên, phù hợp với da và đừng quên bôi đều kem ở tất cả những vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.