Thuốc đặt âm đạo giúp giải quyết các bệnh phụ khoa và cần có sự hướng dẫn của bác sĩ. Vậy viên đặt phụ khoa là gì? Cách sử dụng như thế nào? Cùng Angela Gold tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Nội dung
1. Thuốc đặt phụ khoa là gì?
Thuốc đặt phụ khoa (còn gọi là thuốc đặt âm đạo) nói chung là nhóm thuốc có hình viên nén, dùng để đặt sâu vào trong âm đạo người phụ nữ sau khi nhúng ướt viên thuốc.
Nhóm thuốc này chứa các thành phần khác nhau nên mang đến nhiều công dụng như ngừa thai, kháng nấm, kháng khuẩn, cải thiện khô âm đạo và ngăn ngừa bệnh phụ khoa…
2. Có bao nhiêu loại thuốc đặt phụ khoa?
Thuốc đặt âm đạo được chia ra làm 3 loại là kháng nấm – kháng khuẩn, chữa khô âm đạo và ngừa thai.
2.1 Viên đặt phụ khoa kháng nấm – kháng khuẩn
Viêm âm đạo có thể do nấm Candida, ký sinh trùng Trichomonas hay các loại vi khuẩn như Gardnerella Vaginalis, Prevotella… gây nên, khiến cho vùng âm đạo của người phụ nữ ngứa ngáy khó chịu, tiểu buốt, huyết trắng tiết ra bất thường, đau khi quan hệ tình dục…
Với trường hợp này, bạn có thể dùng 2 loại thuốc đặt phụ khoa như:
- Thuốc chứa một kháng sinh: Loại thuốc này trị một tác nhân gây bệnh nhất định.
- Thuốc chứa nhiều kháng sinh: Loại thuốc này có thể tiêu diệt được nhiều loại vi khuẩn gây bệnh.
2.2 Viên đặt phụ khoa chữa khô âm đạo
Khô âm đạo thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi tiền mãn kinh – mãn kinh, hơn nữa, theo thống kê là có ⅓ số phụ nữ khi bước vào giai đoạn mãn kinh sẽ gặp phải vấn đề khô âm đạo này. Điều này xảy ra là do sự suy giảm nồng độ hormone Estrogen, khiến người phụ nữ có cảm giác ngứa, nóng rát và đau khi quan hệ tình dục.
Thuốc đặt phụ khoa được sử dụng để điều trị khô âm đạo là thuốc chứa hormone Estrogen. Loại thuốc này sẽ bổ sung thêm lượng Estrogen và giải quyết được những vấn đề gây khó chịu bởi chứng khô âm đạo.
2.3 Viên đặt phụ khoa ngừa thai
Thuốc đặt âm đạo để ngừa thai còn có tên gọi là thuốc diệt tinh trùng, loại thuốc này chứa chất có thể diệt tinh trùng và ngăn ngừa quá trình thụ tinh. Để ngừa thai, bạn có thể sử dụng một mình thuốc đặt âm đạo này hoặc kết hợp với những phương pháp tránh thai khác.
3. Hướng dẫn cách đặt thuốc phụ khoa đúng
Để thuốc đặt âm đạo phát huy hiệu quả, bạn cần chú ý cách đặt thuốc phụ khoa đúng cách theo các bước sau:
- Bước 1: Rửa sạch vùng âm đạo với dung dịch vệ sinh dịu nhẹ và lau khô.
- Bước 2: Rửa tay sạch.
- Bước 3: Lấy thuốc ra khỏi màng bọc và đặt thuốc vào vị trí giữ thuốc ở cuối dụng cụ sử dụng thuốc.
- Bước 4: Đưa dụng cụ vào âm đạo nhẹ nhàng với tư thế mà bạn cảm thấy thoải mái.
Tư thế nằm: Bạn nằm ngửa, gập đầu gối và để hai chân cách xa nhau.
Tư thế đứng: Hai chân đứng cách xa nhau và hơi khuỵu đầu gối lại.
- Bước 5: Khi dụng cụ đã nằm trong âm đạo, bạn đẩy pittông để đưa thuốc vào trong, rồi lấy dụng cụ ra khỏi âm đạo.
- Bước 6: Vệ sinh dụng cụ đưa thuốc nếu có thể tái sử dụng hoặc bỏ đi nếu chỉ dùng được 1 lần.
- Bước 7: Rửa sạch tay lại lần nữa.
Ngoài ra, trong trường hợp bạn không có dụng cụ để đưa thuốc đặt phụ khoa vào âm đạo thì có thể dùng tay của mình.
4. Những sai lầm thường gặp khi sử dụng thuốc đặt âm đạo
Một số sai lầm mà người phụ nữ hay mắc phải khi dùng thuốc đặt phụ khoa như:
4.1. Tùy tiện sử dụng thuốc đặt âm đạo
Việc tự ý sử dụng thuốc mà không có sự thăm khám và tư vấn của bác sĩ, không những bệnh không thuyên giảm mà bạn còn có thể phải đối mặt với những rủi ro nguy hiểm, như là dùng thuốc không đúng bệnh khiến tình trạng bệnh tồi tệ thêm.
4.2. Sử dụng thuốc đặt âm đạo kéo dài
Dùng thuốc đặt phụ khoa trong một thời gian dài có thể khiến âm đạo khô rát hơn, nhờn thuốc hay kháng thuốc. Theo như các bác sĩ khuyên dùng thì bạn chỉ nên dùng viên đặt phụ khoa trong vòng 7-10 ngày, đặc biệt là không kéo dài quá 14 ngày để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
4.3. Sử dụng thuốc đặt âm đạo trong ngày “đèn đỏ”
Vào ngày hành kinh, nếu dùng thuốc đặt phụ khoa sẽ khiến khoang tử cung bị vi khuẩn xâm nhập do cổ tử cung giãn ra.
4.4. Quan hệ tình dục trong quá trình sử dụng thuốc đặt âm đạo
Khi đặt thuốc bạn nên tránh quan hệ tình dục. Nếu không sẽ khiến cho bệnh viêm phụ khoa nặng thêm và có thể gây nên tổn thương cho cơ quan sinh dục vì niêm mạc âm đạo, cổ tử cung nhạy cảm hơn do tác dụng của thuốc.