Vượt qua giai đoạn tiền mãn kinh, phụ nữ chính thức bước vào thời kỳ mãn kinh với biểu hiện suy giảm nội tiết tố rõ rệt, cùng nguy cơ mắc nhiều bệnh mãn tính. Để giảm bớt triệu chứng khó chịu, nhiều chị em đã tìm đến một số loại thuốc. Vậy tuổi mãn kinh nên uống thuốc gì? Sau tuổi mãn kinh có nên dùng thuốc nội tiết tố không? Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu!
Mục lục
1. Tuổi mãn kinh và sự biến động nội tiết tố
Mãn kinh là giai đoạn phụ nữ không còn khả năng sinh sản, đánh dấu kết thúc chu kỳ kinh nguyệt (nếu không hành kinh trong 12 tháng liên tiếp). Ở thời kỳ mãn kinh, nội tiết tố trong cơ thể phái đẹp suy giảm nghiêm trọng do hệ trục Não bộ – Tuyến yên – Buồng trứng hoạt động lệch nhịp bởi sự tác động của quá trình lão hóa và các yếu tố nguy cơ như căng thẳng, môi trường, dinh dưỡng không lành mạnh…
Ngoài ra, khi bước sang tuổi mãn kinh, buồng trứng sẽ bắt đầu thoái hóa, số lượng nang trứng giảm. Điều này dẫn tới hệ quả tất yếu là Estrogen mất đi nguồn tổng hợp. Tuy nhiên, Estrogen không sụt giảm ngay lập tức mà chỉ dao động mạnh mẽ trong cơ thể, từ đó gây ra hàng loạt những triệu chứng khó chịu cho người phụ nữ, cụ thể:
- Đẩy nhanh quá trình lão hóa, khiến da khô sạm, nhăn nheo, chảy xệ và thiếu sức sống. Đồng thời, vóc dáng cơ thể nhỏ dần, lưng còng, tích tụ mỡ ở nhiều nơi, móng tay gãy rụng và tóc thưa dần.
- Sự biến động của Estrogen gây ra một số triệu chứng đặc trưng của thời kỳ mãn kinh, bao gồm: rối loạn vận mạch (bốc hỏa, đổ mồ hôi đêm, đánh trống ngực), mệt mỏi kinh niên, mất ngủ, suy giảm trí nhớ, rối loạn tập trung, tính tình thay đổi, dễ bị trầm cảm và tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch hoặc loãng xương.
- Chưa kể, thiếu hụt Estrogen còn dẫn đến tình trạng rối loạn kinh nguyệt, cơ quan sinh dục teo nhỏ, âm đạo khô khiến giao hợp đau, rối loạn đường tiểu gây tiểu rắt, tiểu nhiều lần hoặc đôi khi tiểu tiện không tự chủ, làm són tiểu.
Đứng trước những tụt dốc về sức khỏe, sắc đẹp và sinh lý, nhiều chị em đã tìm đến các loại thuốc nội tiết tố nhằm can thiệp quá trình mãn kinh. Nhưng, tuổi mãn kinh có nên dùng thuốc nội tiết tố không?
2. Tuổi mãn kinh nên uống thuốc gì, dùng thuốc nội tiết được không?
Thuốc nội tiết tố cho phụ nữ tiền mãn kinh – mãn kinh được chia thành hai loại, bao gồm viên uống Estrogen hoặc liệu pháp hormone thay thế (HRT).
2.1 Viên uống bổ sung Estrogen có nguồn gốc thực vật
Đây là sản phẩm được bào chế dưới dạng viên uống, chiết xuất từ thực vật, với cơ chế bổ sung Estrogen để điều hòa nội tiết tố nữ, từ đó cải thiện vấn đề thiếu hụt và triệu chứng khó chịu của thời kỳ mãn kinh do rối loạn nội tiết tố gây ra.
Trước khi sử dụng viên uống bổ sung Estrogen, chị em nên gặp bác sĩ để được tư vấn liều lượng thích hợp. Bởi suy cho cùng, Estrogen có nguồn gốc từ thực vật không thể thay thế tốt cho Estrogen do cơ thể sản sinh. Nếu sử dụng không đúng cách có thể khiến hệ trục Não bộ – Tuyến yên – Buồng trứng hiểu lầm là cơ thể đã đủ nội tiết tố, từ đó giảm sản xuất nội tiết tố nữ tự nhiên, khiến tình trạng rối loạn nội tiết tố trở nên nghiêm trọng.
Ngoài ra, người dùng cần lưu ý chọn mua viên uống từ thương hiệu uy tín, nguồn gốc rõ ràng, được Bộ Y tế công nhận chất lượng. Tránh sử dụng viên uống trôi nổi, thành phần mập mờ, không có cơ chế khoa học rõ ràng để ngăn ngừa nguy hại cho sức khỏe.
> Có thể bạn quan tâm: Cách chọn viên uống nội tiết tố an toàn, hiệu quả
2.2 Liệu pháp hormone thay thế
Liệu pháp hormone thay thế (HRT) – hay còn gọi liệu pháp hormone mãn kinh (MHT), là phương pháp bổ sung hormone tổng hợp từ bên ngoài, nhằm bù đắp hormone bị thiếu hụt trong cơ thể và hóa giải tình trạng trồi sụt của Estrogen. Các nhóm thuốc được sử dụng bao gồm thuốc Estrogen đơn thuần hoặc Estrogen kết hợp Progesterone.
Về lợi ích, liệu pháp hormone thay thế hỗ trợ cải thiện triệu chứng khó chịu trong thời kỳ mãn kinh như bốc hỏa, đổ mồ hôi đêm, đánh trống ngực, rối loạn giấc ngủ, teo khô âm đạo, giảm ham muốn, rụng tóc hoặc mọc tóc bất thường…
Ngoài ra, liệu pháp HRT còn giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính. Điển hình như bệnh loãng xương. Nhiều nghiên cứu cho thấy, liệu pháp HRT ngăn ngừa tình trạng mất xương, duy trì cấu trúc xương khớp toàn vẹn, giảm nguy cơ loãng xương ở đốt sống (27%) và giảm được tình trạng loãng xương ở xương chậu hoặc xương cổ tay (40%).
Những lợi ích của liệu pháp hormone thay thế là không thể phủ nhận. Thế nhưng, với mong muốn níu kéo tuổi thanh xuân, nhiều người đã tự ý sử dụng theo liều lượng và thời gian không đúng với cơ địa.
Hậu quả, cơ thể phải đối mặt với hàng loạt những biến chứng nguy hiểm như rối loạn đông máu, hình thành cục máu đông trong lòng mạch, nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, quá sản nội mạc tử cung, thay đổi tầm nhìn đột ngột, đau đầu nghiêm trọng, sưng phù tay chân, huyết khối tĩnh mạch. Nghiêm trọng hơn là nguy cơ ung thư vú, ung thư tử cung, ung thư buồng trứng, viêm túi mật và thậm chí đột quỵ.
3. Như vậy, sau mãn kinh có nên dùng thuốc nội tiết?
Thông thường, thuốc nội tiết tố như liệu pháp hormone thay thế, được chống chỉ định cho người có tiền sử thuyên tắc tĩnh mạch, tai biến mạch máu não, bệnh lý gan cấp hoặc mạn tính, đang điều trị ung thư vú hoặc chảy máu âm đạo không chẩn đoán.
Tuy nhiên, trước khi sử dụng phải có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Dùng đúng thuốc, đúng liều và đúng thời gian điều trị, không nên lạm dụng để ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm. Đồng thời, định kỳ từ 6 – 12 tháng, chị em nên đi khám sức khỏe tổng quát để tầm soát những dấu hiệu bất thường, bảo vệ an toàn cho sức khỏe.
4. Giải pháp thay thế thuốc nội tiết an toàn cho phụ nữ mãn kinh
Để điều hòa nội tiết tố nữ tự nhiên và an toàn mà không cần sử dụng thuốc nội tiết tố, các chuyên gia khuyến khích phái đẹp nên thực hiện các lưu ý sau:
4.1 Điều chỉnh chế độ ăn uống
Ở độ tuổi tiền mãn kinh – mãn kinh, chị em thường xuyên gặp phải những trục trặc về sức khỏe. Lúc này, một chế độ dinh dưỡng khoa học, đầy đủ dưỡng chất là vô cùng cần thiết, nhằm tăng cường sức khỏe tổng thể, phòng ngừa các bệnh mãn tính:
- Bổ sung thực phẩm giàu vitamin D như sữa và chế phẩm từ sữa, trứng, hàu, tôm, nấm, cá hồi, cá trích… giúp củng cố hệ xương chắc khỏe, phòng ngừa nguy cơ loãng xương, xốp xương hoặc gãy xương.
- Tăng cường thực phẩm giàu axit béo Omega – 3 như hạt hướng dương, hạt bí ngô, hạt mè, bắp, cá hồi, quả óc chó, quả bơ, sữa chua… hỗ trợ bảo vệ sức khỏe tim mạch.
- Ăn nhiều thực phẩm chứa vitamin B như cá hồi, gan, trứng, sữa, thịt bò, rau chân vịt, đậu đen, đậu lăng…giúp cải thiện triệu chứng khó chịu của thời kỳ mãn kinh như trầm cảm, đau bụng, cáu gắt và mệt mỏi.
- Uống nhiều nước, khoảng 2 – 2,5 lít nước mỗi ngày để thúc đẩy quá trình trao đổi chất, tăng lưu thông máu huyết, điều hòa thân nhiệt và bảo vệ mô cơ quan.
Ngoài ra, phụ nữ tuổi mãn kinh nên kiểm soát khẩu phần ăn chặt chẽ, chú ý giảm cholesterol xấu, giảm tiêu thụ nội tạng động vật và thực phẩm chiên rán. Điều này giúp phòng ngừa tối đa nguy cơ mắc bệnh tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường và rối loạn mỡ máu khi về già.
Phụ nữ tiền mãn kinh nên ăn gì là băn khoăn của nhiều chị em. Bởi xây dựng chế độ ăn uống khoa học là một trong những yếu tố giảm nguy cơ bệnh tật và các triệu chứng khó chịu của thời kỳ tiền mãn kinh - mãn kinh.…
4.2. Tập luyện thể thao
Ngoài ăn uống khoa học, vận động thường xuyên cũng mang đến nhiều lợi ích sức khỏe cho phụ nữ mãn kinh. Bằng chứng là tập luyện thể thao hợp lý giúp duy trì vóc dáng cân đối, tăng cường cholesterol tốt và giảm nguy cơ mắc bệnh loãng xương.
Một tuần ít nhất 5 lần, chị em nên dành ra 30 – 60 phút để thực hiện các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, chạy bộ, tập yoga và khiêu vũ. Đây là cách chăm sóc sức khỏe hiệu quả, giúp bạn vượt qua giai đoạn tiền mãn kinh – mãn kinh nhẹ nhàng.