Không ít phụ nữ sau khi trải qua quá trình điều trị bệnh lý bất kỳ bỗng không còn hứng thú với “chuyện yêu”. Tình trạng này có thể gây ra bởi tác dụng phụ của một số loại thuốc. Hãy cùng tìm hiểu đâu là những loại thuốc giảm ham muốn trong bài viết sau.
Nội dung
1. Điểm danh các loại thuốc khiến chị em giảm ham muốn
1.1 Các thuốc chống trầm cảm
Có rất nhiều loại thuốc được chỉ định để điều trị trầm cảm như amitriptylin, amitriptylinoxide, clomipramine… Tuy nhiên, hầu hết các loại thuốc này đều có tác động ít nhiều đến đời sống tình dục của bệnh nhân theo những cách khác nhau.
Không ít người than phiền rằng đời sống tình dục của họ bị suy giảm nghiêm trọng trong quá trình sử dụng những loại thuốc trên. Đối với nữ giới, nhiều người cảm thấy mất hết ham muốn, dịch tiết âm đạo bị giảm gây đau, rát khi quan hệ tình dục…
Cho đến nay, nguyên nhân thuốc chống trầm cảm ảnh hưởng đến đời sống tình dục vẫn chưa được giải thích đầy đủ bởi cơ chế hoạt động của các loại thuốc khác nhau.
Ví dụ với thuốc chống trầm cảm chứa chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI), một số chuyên gia cho rằng thuốc làm serotonin tăng, mà khi serotonin tăng thì mức độ dopamine giảm. Trong khi đó, dopamine là hóa chất cần thiết để cảm thấy hưng phấn và con người khó có cảm giác được gợi dục khi lượng dopamine trong cơ thể ít đi.
Bên cạnh đó, bản thân bệnh trầm cảm cũng gây giảm ham muốn. Vì thế rất khó để xác định bị suy giảm ham muốn là do bệnh trầm cảm hay tác dụng phụ của thuốc.
1.2 Nhóm thuốc an thần gây ngủ
Thuốc an thần gây ngủ là nhóm thuốc làm chậm hoạt động của bộ não, từ đó tạo ra cảm giác thư giãn cho bệnh nhân. Thuốc nên thường được dùng để điều trị lo âu và rối loạn giấc ngủ nhưng cũng thuộc nhóm thuốc giảm ham muốn mà nhiều người không ngờ tới.
Đối với cả nam và nữ, thuốc thường gây trạng thái mệt mỏi về tâm lý, uể oải đờ đẫn về tinh thần hay ngủ gà ngủ gật. Điều này tác động tiêu cực đến đời sống tình dục, khiến bệnh nhân dần mất hứng thú với chuyện ấy.
1.3 Các thuốc chống động kinh (antieleptics)
Bản thân bệnh động kinh đã gây giảm ham muốn tình dục và thuốc chống động kinh khiến cho tình trạng này trầm trọng hơn.
Theo đó, nhóm thuốc này góp phần gây rối loạn chức năng tình dục do tác động trực tiếp lên vỏ não hoặc do thay đổi nồng độ hormone sinh dục. Với các thuốc cảm ứng enzym, khi được chuyển hóa ở gan, thuốc sẽ làm tăng hoạt động của hệ thống enzym ở microsome gan (cytochrome P450). Điều này làm tăng chuyển hóa các hormone steroid sinh dục và tăng cường sản xuất globulin liên kết hormone giới tính (SHBG), từ đó làm giảm mức độ hormone sinh dục trong máu.
Chức năng tình dục bình thường đòi hỏi mức độ hormone sinh dục bình thường. Tuy nhiên, việc giảm lượng hormone sinh dục tự do và hoạt tính sinh học dẫn đến giảm ham muốn tình dục ở bệnh nhân sử dụng thuốc chống động kinh.
1.4 Các loại thuốc chống loạn thần (antipsychotics)
Thuốc chống loạn thần có thể gây suy giảm ham muốn ở cả nam và nữ. Theo đó với nam giới, các loại thuốc này thường làm giảm khả năng cương dương và xuất tinh ở nam giới, đối với nữ là giảm tiết dịch nhầy âm đạo (khô hạn). Tuy nhiên hiện nay các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để phân tích sâu hơn về vấn đề này.
1.5 Nhóm thuốc kháng histamin điều trị viêm loét dạ dày – hành tá tràng
Thuốc kháng histamin gồm 2 loại: histamin H1 và histamin H2. Nếu dùng liều cao, kéo dài thì một trong những tác dụng phụ của thuốc là gây rối loạn tình dục ở cả 2 giới. Cụ thể ở nữ bao gồm các vấn đề giảm ham muốn tình dục, gây ức chế việc kích thích, làm khô các mô âm đạo…
Bài viết liên quan:
- Nguyên nhân giảm ham muốn ở phụ nữ
- Giảm ham muốn sau sinh phải làm sao?
- Điều cần biết về bệnh lãnh cảm ở nữ giới
2. Có nên ngừng thuốc khi giảm ham muốn?
Khi xuất hiện tình trạng giảm ham muốn khi dùng thuốc, rất nhiều chị em tự ý ngưng thuốc. Tuy nhiên điều này không nên bởi có thể gây ảnh hưởng đến kết quả điều trị bệnh (ví dụ các bệnh như trầm cảm, loét dạ dày, động kinh…). Hơn thế nữa, trong một số trường hợp chứng giảm ham muốn gây ra bởi chính bệnh nên việc ngưng thuốc hoàn toàn không giúp khắc phục tình trạng giảm ham muốn, thậm chí khiến cho tình trạng này tồi tệ hơn. Vì thế chị em không nên ngừng thuốc nếu không có sự chỉ định của bác sĩ.
Thay vào đó, chị em nên thông báo cho bác sĩ điều trị để có hướng khắc phục phù hợp. Ví dụ, để hạn chế tình trạng gây suy giảm ham muốn của thuốc chống trầm cảm, bác sĩ sẽ kê đơn cho bệnh nhân dùng thêm thuốc arcalion, piracetam, ginkgo biloba… hoặc đổi thuốc trị trầm cảm khác ít tác động đến sinh lý nữ hơn. Đồng thời, cải thiện chế độ ăn uống, lối sống lành mạnh sẽ giúp hạn chế tác dụng của thuốc giảm ham muốn và hỗ trợ điều trị các bệnh lý mãn tính hiệu quả, từ đó giúp việc điều trị nhanh đạt kết quả hơn.