Bệnh trầm cảm ở phụ nữ: Nguyên nhân, dấu hiệu và giải pháp

Bệnh trầm cảm ở phụ nữ không chỉ tác động tiêu cực tới hành vi, cảm xúc, tư duy, hiệu suất làm việc, chất lượng cuộc sống của chị em mà còn ảnh hưởng đến các mối quan hệ xung quanh, hạnh phúc gia đình. Vậy làm thế nào để vượt qua những trở ngại của bệnh trầm cảm? Hãy cùng khám phá ngay câu trả lời trong bài viết sau. 

1. Trầm cảm là gì?

Bệnh trầm cảm (Depression) là một dạng rối loạn cảm xúc, bao gồm những suy nghĩ tiêu cực, cảm giác chán nản, trống rỗng, tuyệt vọng, mất phương hướng, thiếu động lực sống hoặc mất niềm tin về bản thân. Trầm cảm xảy ra ở mọi lứa tuổi, đặc biệt từ 25 đến 44 tuổi. Bệnh diễn tiến theo cấp độ từ nhẹ đến nặng. Mức độ nguy hiểm nhất là người bệnh tự tổn thương hoặc kết liễu cuộc đời nếu như không được điều trị đúng cách.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trung bình mỗi năm trầm cảm cướp đi 850.000 mạng người. Năm 2020, trầm cảm là căn bệnh phổ biến toàn cầu với 121 triệu người mắc. Trong đó, chỉ 25% được điều trị kịp thời và đúng phương pháp.

2. Biểu hiện của bệnh trầm cảm

Nếu xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào bên dưới trong ít nhất 2 tuần, bạn nên gặp bác sĩ tâm lý ngay để được hỗ trợ kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra:

  • Tâm trạng chán nản, buồn rầu, ủ rũ, tuyệt vọng và bất lực. 
  • Giảm hứng thú hoặc niềm vui trong các hoạt động từng yêu thích. 
  • Cảm thấy ảm đạm, bi quan về sự nghiệp và tương lai. 
  • Không còn cảm giác yêu, ghét, buồn, giận hờn như trước. 
  • Hay ngồi im lặng, khom lưng, cúi đầu hoặc nằm nép vào một góc giường trong nhiều giờ. 
  • Rối loạn giấc ngủ như mất ngủ, ngủ không sâu giấc. 
  • Suy nhược cơ thể nặng nề do từ chối ăn uống, chăm sóc cá nhân.
  • Thường xuyên khóc mà không rõ lý do.
  • Giảm tốc độ giao tiếp và vận động. 
  • Nói chậm, nói nhỏ, nói thì thào hoặc nói từng tiếng một. Đôi khi, cả ngày bệnh nhân không nói một tiếng nào hay giao tiếp với những người xung quanh. 
  • Suy nghĩ chậm chạp, khó tập trung, giảm chú ý hoặc đưa ra quyết định.
  • Hoang tưởng bị tội hoặc tự buộc tội, tự cho mình có nhân phẩm kém, phạm nhiều tội lỗi, gây tai họa cho gia đình. 
  • Cảm thấy xấu hổ, bất hạnh, mất niềm tin vào bản thân. 
  • Suy nghĩ làm tổn thương cơ thể hoặc xuất hiện ý tưởng tự sát.

3. Vì sao bệnh trầm cảm ở phụ nữ phổ biến hơn ở nam giới?

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), tỷ lệ trầm cảm ở nữ giới cao gấp đôi so với nam giới. Nguyên nhân là do phụ nữ là những cá thể nhạy cảm, dễ bị tổn thương trước những biến cố trong cuộc sống như mất người thân, ly hôn, sảy thai, thất nghiệp, lạm dụng tình dục hoặc bạo hành gia đình.

So với nam giới, bệnh trầm cảm ở phụ nữ xảy ra sớm hơn, kéo dài hơn và nguy cơ tái phát tương đối cao. Phụ nữ bị trầm cảm thường trải qua cảm giác tội lỗi, tuyệt vọng, cố gắng tự tử nhiều lần so với phái mạnh, mặc dù trên thực tế, nam giới là đối tượng chiếm tỷ lệ tự tử hơn. Không chỉ vậy, bệnh trầm cảm ở phụ nữ còn liên quan đến rối loạn lo âu, đặc biệt là các triệu chứng ám ảnh, hoảng sợ và rối loạn ăn uống.

4. Các loại trầm cảm chỉ xuất hiện ở phụ nữ

4.1 Hội chứng tiền kinh nguyệt

Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS – Premenstrual Syndrome) là một dạng rối loạn về hành vi, tâm sinh lý của nữ giới trước chu kỳ kinh nguyệt. Bệnh thường xảy ra ở độ tuổi 20 – 40  với các biểu hiện đặc trưng như đau đầu, mệt mỏi, tăng cân, sưng tay hoặc chân, xuất hiện các vấn đề về da, cảm giác phiền muộn, giận dữ, cáu gắt, kém tập trung hay thay đổi ham muốn tình dục.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân gây ra hội chứng tiền kinh nguyệt xuất phát từ sự thay đổi nội tiết tố nữ trước kỳ kinh nguyệt (Estrogen và Progesterone) và sự suy giảm nồng độ serotonin trong não. Serotonin bị thiếu hụt là yếu tố gây ra bệnh trầm cảm tiền kinh nguyệt, làm đảo lộn cuộc sống của phái đẹp. 

4.2 Trầm cảm sau sinh

Trong giai đoạn mang thai, cơ thể thường tiết ra lượng lớn Estrogen và Progesterone. Hai loại hormone này giữ vai trò sản sinh ra dopamine và serotonin, giúp người phụ nữ cảm thấy vui vẻ và thư thái. Tuy nhiên, sau khi sinh con, nồng độ Estrogen và Progesterone suy giảm mạnh, dẫn đến sự xáo trộn nội tiết tố trong cơ thể và đây là nguyên nhân khiến phụ nữ căng thẳng, cáu gắt và diễn tiến tới căn bệnh trầm cảm.

Theo thống kê, khoảng 10 – 15% phụ nữ phải đối mặt với chứng trầm cảm sau khi sinh. Biểu hiện đặc trưng của bệnh là cảm giác buồn bã, mệt mỏi, lo lắng, bồn chồn, lo sợ con mình bị hại hoặc tự nghĩ bản thân là người mẹ xấu, thu mình và từ chối giao tiếp xã hội… Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có khả năng tiến triển nặng, dẫn đến thai phụ có hành vi ngược đãi, sát nhi hoặc tự sát cả mẹ lẫn con. 

4.3 Trầm cảm giai đoạn tiền mãn kinh – mãn kinh

Thời kỳ tiền mãn kinh – mãn kinh là giai đoạn tất yếu trong cuộc sống của phụ nữ và là một sự thách thức lớn. Theo đó, khi bước vào độ tuổi tiền mãn kinh – mãn kinh, phái nữ phải đối mặt với sự “tụt dốc” không phanh về sức khỏe, sắc đẹp và sinh lý. Đây chính là nguyên nhân khiến tâm trạng của người phụ nữ thay đổi thất thường, mệt mỏi và căng thẳng kéo dài. 

Nhiều nghiên cứu chứng minh rằng, sự trồi sụt bất thường của các nội tiết tố nữ do hệ trục Não bộ – Tuyến yên – Buồng trứng suy giảm hoạt động là nguyên nhân gây ra các rối loạn về cảm xúc, tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm ở phụ nữ. 

Như vậy, trầm cảm ở giai đoạn nào phụ nữ đều chịu tác động lớn của rối loạn nội tiết tố nữ. Do đó, việc điều hòa nội tiết tố theo đúng và đủ nhu cầu cơ thể là vô cùng cần thiết để giảm thiểu những thay đổi về sức khỏe, sắc đẹp và sinh lý cho chị em. 

5. Nguyên nhân gây ra trầm cảm ở phụ nữ 

5.1 Do rối loạn nội tiết tố 

Nội tiết tố nữ đóng vai trò như “người nhạc trưởng”, giúp duy trì sức khỏe, sắc đẹp xinh đẹp và điều hòa ổn định mọi hoạt động sinh lý. Tuy nhiên, khi bước sang tuổi 30, tác động của quá trình lão hóa tự nhiên, cộng hưởng cùng các yếu tố khác như căng thẳng, ô nhiễm môi trường, sử dụng thuốc tránh thai, dinh dưỡng không hợp lý… khiến hệ trục Não bộ – Tuyến yên – Buồng trứng suy giảm hoạt động, kéo theo sự xáo trộn bộ ba nội tiết tố nữ quan trọng Estrogen, Progesterone, Testosterone.

Trong đó, Estrogen có ảnh hưởng trực tiếp đến Serotonin (hormone hạnh phúc). Serotonin là một hoạt chất trong não bộ có vai trò điều chỉnh tâm trạng của phụ nữ. Sự thiếu hụt Serotonin được cho là nguyên nhân trực tiếp khiến chị em rơi vào trạng thái chán chường, buồn bã, căng thẳng và hậu quả là bệnh trầm cảm.

5.2 Do hoàn cảnh sống của phụ nữ

Bệnh trầm cảm ở phụ nữ không chỉ xuất phát từ nguyên nhân rối loạn nội tiết tố, mà còn chịu tác động từ yếu tố văn hóa và xã hội như:

  • Áp lực cuộc sống: Những gánh nặng vô hình từ việc vừa phải lo “cơm áo gạo tiền”, lại vừa chăm sóc chồng con, đảm đương việc nhà là nguyên nhân gây ra tình trạng áp lực, mệt mỏi, nhưng nhiều người phụ nữ không tìm được sự chia sẻ với người thân, dẫn đến tình trạng trầm cảm ở phụ nữ. 
  • Bạo hành gia đình: Phụ nữ từng bị bạo hành gia đình hoặc thể chất trong thời gian dài có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao gấp 5 lần so với phụ nữ bình thường khác.  

Ngoài ra, trầm cảm còn xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác như:

  • Lo lắng, căng thẳng quá mức do mất việc, ly hôn.
  • Rối loạn ăn uống như chán ăn hoặc thèm ăn quá mức. 
  • Lạm dụng chất kích thích như rượu bia, thuốc lá. 
  • Di truyền.
  • Do tác dụng của một số loại thuốc.
  • Do bệnh lý như đột quỵ, đau tim, ung thư, suy giáp…

6. Điều trị bệnh trầm cảm ở phụ nữ như thế nào?

Có nhiều phương pháp điều trị bệnh trầm cảm ở phụ nữ, bao gồm:

6.1 Trị liệu tâm lý

Trị liệu tâm lý là hình thức trò chuyện trực tiếp giữa nhà tâm lý học và người bệnh. Đây là phương pháp giúp phụ nữ thay đổi những suy nghĩ và hành vi tiêu cực, vượt qua được trở ngại tâm lý để mở lòng, tương tác và đón nhận sự giúp đỡ từ những người xung quanh.

6.2 Điều trị bằng thuốc

Để cải thiện tâm trạng và điều trị bệnh trầm cảm, các bác sĩ chỉ định bạn sử dụng một số loại thuốc như sau:

  • Nhóm thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và noradrenaline (SNRIs) như desvenlafaxine, duloxetine, levomilnacipran và venlafaxine…
  • Nhóm thuốc ức chế tái hấp thu serotonin (SSRIs) như fluoxetine, fluvoxamine, paroxetine và sertraline…
  • Thuốc chống trầm cảm 3 vòng (TCAs) như amitriptyline, imipramine, nortriptyline…

Các trường hợp sử dụng thuốc chống trầm cảm cần tuân theo nguyên tắc kê đơn của bác sĩ, tránh lạm dụng để ngăn ngừa những nguy hại cho sức khỏe. Nếu xuất hiện các dấu hiệu bất thường, kéo dài trong nhiều ngày như buồn nôn, mẩn đỏ, khô miệng, mất ngủ, đau đầu, táo bón, tăng huyết áp… người bệnh cần liên hệ ngay với bác sĩ chuyên khoa để được trợ giúp kịp thời. 

6.3 Luyện tập thể dục

Nghiên cứu của tạp chí chuyên ngành Archives of Internal Medicine thuộc Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ cho thấy, luyện tập thể dục thường xuyên giúp kích thích sản sinh Endorphins – một loại hormone giúp bạn cảm thấy yêu đời, vui vẻ, tự tin và hạnh phúc. Theo đó, bạn nên bắt đầu một ngày mới bằng cách thực hiện các bài tập thể dục nhẹ nhàng như yoga, đi bộ, chạy bộ, khiêu vũ vì đây đều là môn thể thao giúp giải tỏa tâm trạng, duy trì vóc dáng và tăng cường sức khỏe cho chị em.

Ngoài ra, cần lưu ý cường độ luyện tập vừa phải, không vận động quá mức để tránh ảnh hưởng tới sức khỏe. Với phụ nữ đang gặp các vấn đề về trầm cảm, các chuyên gia khuyến khích bạn nên tập aerobic 3-5 lần/tuần, mỗi lần kéo dài 45-60 phút. Đối với các bài tập nhanh như chạy bộ, đi bộ, chạy xe thì chỉ luyện tập trong khoảng 50-85% của nhịp tim là đủ. 

6.4 Ăn uống khoa học

Để đẩy lùi các dấu hiệu của căn bệnh trầm cảm, bạn nên xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, đầy đủ các nhóm dưỡng chất sau:

Tăng lượng Omega-3

Axit béo Omega-3 có tác dụng giảm nguy cơ mắc bệnh trầm cảm ở phụ nữ, điều chỉnh tâm trạng và giúp chị em yêu đời hơn. Omega-3 có nhiều trong thực phẩm như cá hồi, cá mòi, cá thu, cá ngừ tươi. 

Thực phẩm giàu Vitamin B

Sự thiếu hụt vitamin nhóm B, Magie và kẽm đều liên quan đến căn bệnh trầm cảm. Do đó, hãy đặc biệt bổ sung các thực phẩm giàu vitamin B như cá hồi, sữa, thịt bò, hàu, trai, hến, cây họ đậu, cá hồi, rau lá xanh… để cân bằng cảm xúc, giảm nguy cơ mắc bệnh trầm cảm.

Tăng lượng serotonin bằng các axit amin

Vai trò của serotonin là giải tỏa áp lực, giúp phụ nữ cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ và tràn đầy sức sống. Serotonin được tạo ra trong não từ một axit amin là tryptophan. Vì vậy, để tăng hàm lượng serotonin, khắc phục chứng trầm cảm, bạn nên bổ sung thực phẩm giàu Tryptophan như thịt gà, chuối, pho mát, chocolate, trứng, sữa, cá, lúa mạch, hạt vừng, đậu nành và các loại hạt… 

Bài viết cùng chủ đề

Angela Gold sức khỏe, sắc đẹp và sinh lý nữ