Lối sống hiện đại, nhiều áp lực trong công việc – cuộc sống cộng với thói quen sinh hoạt và dinh dưỡng thiếu lành mạnh, ngày càng nhiều phụ nữ có dấu hiệu mất kinh, kinh nguyệt đến sớm hoặc đến muộn… Điều này khiến nhiều chị em lo lắng, không biết làm sao để có kinh nguyệt trở lại như bình thường. Nếu bạn đang gặp phải tình trạng này, hãy tham khảo ngay bài viết sau để sớm khắc phục những bất ổn và giúp vòng kinh đều đặn hơn.
Nội dung
1. Thế nào được coi là chu kỳ kinh nguyệt bất thường?
Kinh nguyệt là hiện tượng lớp niêm mạc tử cung bị bong ra (có chu kỳ) do sự thay đổi nội tiết tố, gây chảy máu từ buồng tử cung ra ngoài âm đạo. Kinh nguyệt bắt đầu xuất hiện khi nữ giới bước vào tuổi dậy thì, diễn ra đều đặn hàng tháng với chu kỳ dao động khoảng 22 – 35 ngày. Thời gian hành kinh từ 3 – 7 ngày và lượng máu kinh mất đi trong một kỳ kinh nguyệt dao động khoảng 50 – 80 ml.
Khi chu kỳ kinh nguyệt, thời gian hành kinh, lượng máu kinh mất đi có sự thay đổi so với bình thường; đi kèm là các cơn đau bụng dưới, đau lưng, căng ngực khi hành kinh… thì đây là tình trạng kinh nguyệt bất thường.
2. Dấu hiệu của kinh nguyệt bất thường
Bạn có thể dễ dàng nhận biết tình trạng kinh nguyệt bất thường qua các dấu hiệu như:
- Chu kỳ kinh nguyệt: Vòng kinh dài (trên 35 ngày) hoặc ngắn hơn (dưới 22 ngày) hoặc vô kinh (không có kinh nguyệt từ 3 chu kỳ hoặc 6 tháng trở lên).
- Thời gian hành kinh: Số ngày hành kinh ngắn hơn 3 ngày (thiểu kinh) hoặc nhiều hơn 7 ngày (rong kinh).
- Lượng máu kinh mất đi: Lượng máu kinh mất đi ở mỗi chu kỳ quá ít, dưới 50ml (thiểu kinh) hoặc ra nhiều máu bất thường, nhiều hơn 80ml (cường kinh).
- Màu sắc của máu kinh: Kinh nguyệt có màu đen sẫm, lẫn máu cục hoặc máu tươi.
- Một số biểu hiện khác: Đau bụng dưới khi trong kỳ kinh nguyệt (thống kinh), người mệt mỏi, đau lưng, căng ngực, tâm trạng dễ xúc động, buồn nôn…
Tìm hiểu thêm về các hiện tượng kinh nguyệt bất thường:
- TOP dấu hiệu kinh nguyệt bất thường
- Kinh nguyệt không đều là gì và cách chữa trị
- Nguyên nhân và dấu hiệu kinh nguyệt ra ít
- Tình trạng mất kinh nguyệt ở phái đẹp
3. Đối tượng nào thường bị rối loạn kinh nguyệt?
Những đối tượng thường bị rối loạn kinh nguyệt có thể kể đến như:
- Ở tuổi dậy thì: Thường do cơ thể đang trải qua sự thay đổi lớn, hormone trong cơ thể chưa cân bằng nên có thể dẫn đến tình trạng rối loạn kinh nguyệt.
- Phụ nữ sau sinh và đang cho con bú: Rối loạn kinh nguyệt không chỉ xảy ra ở tuổi dậy thì, phụ nữ sau sinh và đang cho con bú cũng có thể gặp phải tình trạng này. Nguyên nhân là khi đang cho con bú, Prolactin (hormone chịu trách nhiệm sản xuất sữa mẹ) sẽ ức chế hormone sinh sản, khiến chu kỳ kinh nguyệt bị rối loạn. Xem thêm về rối loạn kinh nguyệt sau sinh.
- Rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ tiền mãn kinh – mãn kinh: Sự xáo trộn nội tiết tố do hoạt động hệ trục Não bộ – Tuyến yên – Buồng trứng suy giảm hoạt động sẽ làm chu kỳ kinh nguyệt trở nên bất thường.
- Phụ nữ tăng hoặc giảm cân đột ngột: Các chị em đang giảm hoặc tăng cân quá mức, trong thời gian ngắn có thể gây trễ kinh.
- Người mắc một số bệnh lý: Rối loạn kinh nguyệt có thể xảy ra ở phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), bệnh về tuyến giáp (suy giáp, cường giáp), u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, ung thư cổ tử cung…
- Đang sử dụng một số loại thuốc: Chu kỳ kinh nguyệt có thể bị ảnh hưởng bởi một số loại thuốc như thuốc tuyến giáp, thuốc động kinh, thuốc chống trầm cảm, liệu pháp hormone thay thế…
Như vậy, kinh nguyệt bất thường có thể do rất nhiều nguyên nhân. Trong đó, theo các chuyên gia, đối với phụ nữ qua tuổi 30, sự suy giảm hoạt động hệ trục Não bộ – Tuyến yên – Buồng trứng khiến nội tiết tố nữ bị xáo trộn chính là nguyên nhân chính gây ra tình trạng rối loạn hay thậm chí mất kinh nguyệt. Vậy làm sao để có kinh nguyệt trở lại?
4. Làm sao để có kinh nguyệt trở lại như bình thường?
Để kinh nguyệt trở lại đều đặn và ổn định, phái đẹp nên:
4.1 Chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng
Có một chế độ ăn uống cân đối, đầy đủ 4 nhóm dinh dưỡng là chất đạm, chất béo, chất bột đường, vitamin và khoáng chất là một trong những cách giúp kinh nguyệt của bạn trở lại bình thường. Bên cạnh đó, chị em nên bổ sung các thực phẩm chứa nhiều canxi (bông cải xanh, sữa…), thực phẩm giàu sắt (cà rốt, bí đỏ), thực phẩm có nhiều vitamin B (trứng, thịt bò, gan…) hoặc gừng, đu đủ xanh, rau mùi tây, mướp đắng… để giúp điều hòa kinh nguyệt.
4.2 Giữ tinh thần thoải mái
Hormone Cortisol do cơ thể sản sinh ra khi căng thẳng, áp lực có thể ảnh hưởng đến quá trình sản xuất nội tiết tố. Từ đó khiến nội tiết tố nữ bị xáo trộn, dẫn đến chu kỳ kinh nguyệt cũng trở nên bất thường. Chính vì vậy, giữ tinh thần thoải mái, kiểm soát căng thẳng có vai trò rất quan trọng khi muốn điều hòa kinh nguyệt.
Theo đó, chị em nên tập lối sống vui vẻ, thường xuyên nghe nhạc, ngồi thiền, tập yoga hoặc trò chuyện với bạn bè… để hạn chế căng thẳng hiệu quả.
4.3 Lối sống lành mạnh, nghỉ ngơi hợp lý
Xây dựng lối sống lành mạnh như nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc, tập luyện thể thao thường xuyên với mức độ vừa phải, tránh xa các chất kích thích như bia rượu, thuốc lá, thức uống có caffein… cũng là cách giúp chị em cải thiện tình trạng kinh nguyệt bất thường.
4.4 Điều trị tốt các bệnh lý
Nếu kinh nguyệt bất thường là do các bệnh lý gây ra, chị em nên thăm khám sớm để điều trị kịp thời. Khi các bệnh lý được điều trị tốt, các dấu hiệu bất thường về kinh nguyệt cũng sẽ được cải thiện.
4.5 Sử dụng thuốc
Hiện nay, có nhiều loại thuốc giúp điều hòa kinh nguyệt. Điển hình như sử dụng liệu pháp hormone thay thế (viên uống, miếng dán… chứa nội tiết tố), sử dụng các bài thuốc Đông y… Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc hoặc liệu pháp bổ sung nội tiết tố nữ từ bên ngoài, chị em cần phải thăm khám, tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý mua và sử dụng vì có thể dẫn đến nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.
Cụ thể, sử dụng liệu pháp hormone thay thế khi chưa có chỉ định của bác sĩ sẽ làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, tăng nguy cơ đột quỵ, huyết khối tĩnh mạch sâu, tăng nguy cơ ung thư vú… Uống thuốc Đông y sai cách, không đúng liều lượng có thể gây ngộ độc, dị ứng…