Sở hữu làn da căng sáng, mịn màng là mơ ước của nhiều chị em. Tuy nhiên, dưới sự tác động của các tác nhân bên ngoài lẫn bên trong, làn da sạm đi khiến chị em trông kém tươi tắn, già trước tuổi. Vậy sạm da do đâu? Làm thế nào để “thổi bay” làn da xỉn màu hiệu quả, không tái phát?
Nội dung
1. Sạm da là gì?
Sạm da là tình trạng sắc tố Melanin tại một số vùng da nhất định tăng sinh quá mức, dẫn đến hình thành các đốm hoặc mảng da sậm màu bất thường. Đi kèm là các biểu hiện khác như da thô ráp, sần sùi và thiếu sức sống.
Da sạm màu có thể xuất hiện ở bất kỳ vùng da nào trên cơ thể, nhưng thường gặp nhất là ở mặt và cổ. Vùng da này tương phản rõ rệt với các vùng da xung quanh nên gây ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ, làm chị em mất đi sự tự tin khi giao tiếp.
2. Dấu hiệu nhận biết sạm da
Bạn có thể nhận biết hiện tượng sạm da qua các biểu hiện:
- Da xuất hiện các đốm, mảng da sậm màu, có màu nâu, nâu đen, xanh, xanh đen hoặc vàng nâu.
- Các vùng da sạm thường đối xứng, kích thước đa dạng, có khi to, khi nhỏ.
- Các vết sạm có bờ (ranh giới) rõ nhưng không đều, không ngứa, không bong vảy da.
3. Nguyên nhân gây sạm da ở phụ nữ
Có nhiều nguyên nhân khiến da bị sạm đi, xỉn màu, bao gồm:
3.1 Tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời
Thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời là tác nhân kích thích tế bào sản sinh nhiều sắc tố Melanin, khiến làn da sạm màu, cháy nắng. Không chỉ vậy, tia UV trong ánh nắng mặt trời còn có thể xuyên qua lớp hạ bì, kích thích cơ thể sản sinh nhiều men tiêu hủy cấu trúc nền MMPs, làm đứt gãy các Protein dạng sợi có vai trò tạo bộ khung nâng đỡ da và làm mất liên kết giữa các phân tử nước Proteoglycans. Hậu quả là làn da bị lão hóa, chảy xệ, nhăn khô và trở nên kém sắc.
3.2 Do rối loạn nội tiết tố
Xáo trộn nội tiết tố có thể gây rối loạn sản xuất hormone MSH (Melanocyte Stimulating hormone), từ đó kích thích sản xuất Melanin quá mức, khiến làn da sạm đen. Tình trạng này thường gặp ở phụ nữ mang thai, phụ nữ sau sinh hoặc trong thời kỳ tiền mãn kinh – mãn kinh.
3.3 Do rối loạn chuyển hóa
Mắc các bệnh lý rối loạn chuyển hóa như bệnh nhiễm sắc tố sắt hoặc bệnh thoái hóa bột cũng là những nguyên nhân gây sạm da.
3.4 Yếu tố di truyền bẩm sinh
Bên cạnh những yếu tố trên, da sạm có thể là do di truyền, bẩm sinh như mắc hội chứng Peutz-Jeghers (đột biến nhiễm sắc thể làm xuất hiện nhiều nốt ruồi ở môi dưới, polyp ở dạ dày, ruột và hình thành các mảng sắc tố trên da), tàn nhang (xuất hiện các đốm nâu hay màu cà phê sữa, có khi khu trú ở mặt, có khi lan toàn thân), hay bệnh nhiễm sắc tố dầm dề (do di truyền trội trên nhiễm sắc thể X, gây sạm da ở nữ giới nhưng gây chết người ở nam giới)…
Ngoài ra, sạm da còn có thể do:
- Do mắc các bệnh lý như khối u (liên quan đến sắc tố), u lympho, nhiễm khuẩn toàn thân, bệnh gai đen, suy thận, xơ cứng bì…
- Dị ứng hoặc nhiễm độc mỹ phẩm do sử dụng các sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.
- Chăm sóc da không đúng cách.
- Lối sống, sinh hoạt không lành mạnh như thức khuya liên tục, uống nhiều bia rượu, hút thuốc lá…
- Chế độ dinh dưỡng không khoa học, thiếu vitamin A, vitamin B12 và vitamin PP.
- Tác dụng phụ của một số thuốc điều trị bệnh, thuốc tránh thai.
4. Các cách điều trị sạm da hiệu quả
Áp dụng một số cách điều trị sau đây sẽ giúp bạn cải thiện làn da sạm, xỉn màu:
4.1 Cải thiện làn da sạm màu từ mặt nạ tự nhiên
Đây là cách làm mờ các đốm và mảng da sạm màu dễ thực hiện, nguyên liệu tự nhiên quen thuộc và chi phí rẻ. Một số loại mặt nạ thiên nhiên giúp làm mờ các vùng da sạm được ưa chuộng hiện nay có thể kể đến như mặt nạ nha đam, mặt nạ cà chua, mặt nạ dưa leo, trà xanh, mật ong và nghệ…
Tuy nhiên, phương pháp này có hiệu quả rất hạn chế vì chỉ tác động đến lớp thượng bì – lớp ngoài cùng của da mà không giải quyết được gốc rễ nguyên nhân gây sạm da, chủ yếu là cấp ẩm và làm mềm da. Muốn làm giảm các đốm sạm, bạn cần phải kiên trì sử dụng trong thời gian dài mới đạt hiệu quả như mong muốn.
4.2 Điều trị bằng thuốc
Hydroquinone và Axit Retinoic có thể được bác sĩ chỉ định để điều trị sạm nám. Trong đó, Hydroquinone là thuốc bôi có tác dụng làm giảm sắc tố da… Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc, bạn có thể gặp một số tác dụng phụ như khô da, viêm da tiếp xúc kích ứng… đặc biệt lạm dụng thuốc trong thời gian dài có thể khiến cho da có màu nâu xám.
Axit Retinoic là một dạng dẫn xuất của Retinoid, gồm có 2 dạng là dạng uống và dạng bôi. Axit Retinoic giúp cải thiện làn da sạm màu nhờ ức chế enzyme Tyrosinase, từ đó giảm hình thành sắc tố Melanin. Khi bôi thuốc, da có thể bị đỏ, ngứa hoặc bong vảy… Thuốc cũng dễ gây kích ứng khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, vì vậy bạn nên dùng thuốc vào ban đêm và tránh bôi lên các vùng da không bị sạm.
Ngoài ra, một số loại thuốc khác cũng có thể giúp cải thiện sạm da như kem bôi ngoài da chứa Corticoid (từ nhẹ đến trung bình như hydrocortisol); uống các thuốc vitamin C, vitamin B, vitamin PP và L-Cystine…
Lưu ý, khi muốn sử dụng thuốc điều trị sạm da, bạn cần phải tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ, dược sĩ và hướng dẫn sử dụng của thuốc.
4.3 Sử dụng sản phẩm dưỡng da
Nếu bạn đang muốn “thổi bay” làn da sạm màu thì hãy sử dụng ngay các sản phẩm dưỡng da chứa AHA, BHA, Retinol (dẫn xuất của vitamin A)… Với công dụng giúp tẩy tế bào chết và kích thích tái tạo da, các sản phẩm này sẽ giúp cải thiện phần nào các đốm da sậm màu.
Lưu ý, khi sử dụng sản phẩm chứa AHA, BHA và Retinol, bạn nên che chắn cho da kỹ lưỡng, chống nắng cẩn thận trước khi ra ngoài vì lúc này làn da rất nhạy cảm và dễ bị cháy nắng. Phụ nữ mang thai và cho con bú, có làn da nhạy cảm hoặc bị chàm, hồng ban… không nên sử dụng mỹ phẩm chứa Retinol. Bạn cũng không nên dùng Retinol với sản phẩm có tính axit như BHA, AHA hoặc có thành phần lột tẩy mạnh như Axit Salicylic, Axit Glycolic.
4.4 Chữa sạm da với công nghệ laser
Ngoài những cách trên, sử dụng tia laser với bước sóng phù hợp cũng là cách giúp loại bỏ các vùng da sạm đen hiệu quả. Tia laser sẽ phá vỡ cấu trúc Melanin thành các hạt nhỏ để các đại thực bào nhận diện đó là chất lạ và đào thải tự nhiên.
Công nghệ laser tuy giúp làm mờ sạm nám nhanh nhưng chỉ giải quyết Melanin đã có sẵn trên da mà không thể giải quyết vấn đề từ gốc, không ngăn cản Melanin gây sạm đen da tái tạo trở lại.. Việc sử dụng sai bước sóng còn có thể khiến da bị tổn thương, da mỏng đi, dễ bắt nắng hoặc để lại sẹo trên bề mặt da. Do đó, khi bắn laser nên thực hiện ở các cơ sở uy tín, thực hiện bởi bác sĩ có chuyên môn.
Có thể thấy các phương pháp điều trị trên chỉ có tác động từ bên ngoài, làm mờ hoặc loại bỏ Melanin sẵn có trên da. Đắp mặt nạ tự nhiên, sử dụng thuốc bôi, mỹ phẩm dưỡng da hay laser… không thể ngăn chặn sạm nám tái phát và sự hình thành các đốm sạm nám da do các yếu tố bên trong gây ra, điển hình là sạm nám da do rối loạn nội tiết tố, xảy ra khi hệ trục Não bộ – Tuyến yên – Buồng trứng suy giảm hoạt động.
Vì vậy, để giải quyết tình trạng sạm da một cách triệt để, bạn cần phải chăm sóc da từ bên ngoài và cả bên trong. Cụ thể là chống nắng, chăm sóc da đúng cách và kết hợp sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên tác động vào cấu trúc nền của da và giúp điều hòa nội tiết tố nữ đúng và đủ nhu cầu của cơ thể.